Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Tình hình thị trường lao động của TP.HCM tháng 7/2012

“Tháng 8 và những tháng sắp tới một lượng lớn sinh viên, học sinh tốt nghiệp ra trường làm nguồn cung dồi dào, đa dạng. Nhưng do tình hình kinh tế xã hội và sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn chưa phát triển mạnh, xu hướng giảm việc còn tiếp tục”. Đó là nhận định của ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM về tình hình lao động việc làm của thành phố trong thời gian tới.


Nền kinh tế TP.HCM còn gặp nhiều khó khăn
Nền kinh tế của cả nước đang bước vào giai đoạn lạm phát giảm rõ nét khi Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2012 sụt giảm 0,29% so với tháng trước. Đây là mức giảm CPI mạnh nhất kể từ năm 2009 trở lại đây. Tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP.HCM cũng gặp nhiều khó khăn với mức giảm CPI 0,57%. Bên cạnh đó, theo báo cáo của UBND thành phố, sáu tháng đầu năm GDP trên địa bàn TP.HCM ước đạt 288.591 tỷ đồng, tăng 8,1% trong khi cùng kỳ năm 2011 tăng 9,9%. Điều đó chứng tỏ, kinh tế TP.HCM đang phát triển chậm lại, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh, đồng thời, thị trường tiêu thụ cũng đang có dấu hiệu sụt giảm. Cũng theo báo cáo, tình hình khó khăn của doanh nghiệp ngày càng tăng, khi chỉ trong sáu tháng đầu năm, hơn 1.200 doanh nghiệp (tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái) với tổng quy mô vốn 5.260 tỷ đồng đã hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM. Thêm vào đó, hàng nghìn doanh nghiệp khác trên địa bàn thành phố cũng đang gửi thông báo tạm ngưng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế bằng cách thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm tối đa chi phí kinh doanh, tái cơ cấu nguồn nhân lực. Chính vì thế, trong sáu tháng còn lại của năm nay, thành phố sẽ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp về lãi suất, miễn giảm thuế, hỗ trợ thị trường… nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. 

Nhu cầu tuyển dụng giảm
Tình hình kinh tế của TP.HCM trong tháng 7/2012 phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người lao động. Các doanh nghiệp vẫn chưa giữ được mức độ ổn định trong việc phát triển sản xuất kinh doanh và quá trình tái cơ cấu nguồn nhân lực.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, chỉ số tuyển dụng tháng 7 của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố giảm 4,34% so với tháng 6. Một số ngành nghề tuyển nhiều lao động hơn hẳn so với tháng trước như: dịch vụ và phục vụ (16,31%), bán hàng (7,68%), Công nghệ thông tin (6,37%), quản lý nhân sự - Hành chánh văn phòng (5,32%)... Đặc biệt, nhóm ngành Marketing - Nhân viên kinh doanh có nhu cầu tuyển dụng cao nhất (22,86%). Bên cạnh đó, trong tháng 7/2012 này, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục chú trọng vào nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật như trình độ đại học - Đại học (17,83%), Cao đẳng (12,33%), Trung cấp (29,26%), Công nhân kỹ thuật - Sơ cấp nghề (6,63%) tập trung chủ yếu vào các ngành nghề kinh doanh, kế toán... Tuy vậy, thị trường lao động vẫn có 33,95 % nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề và chuyên môn nghiệp vụ.

Nguồn cung nhân lực dồi dào 
Lượng cung nhân lực của TP.HCM trong tháng 7/2012 tăng cao so với tháng 6/2012 do lượng lớn sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề và tham gia vào thị trường tìm việc, bổ sung vào nguồn lao động cho thành phố. Lượng nhân lực tăng cao trong lúc nhu cầu tuyển dụng lao động của thành phố đang có xu hướng giảm đưa thị trường lao động đi đến mất ổn định - cung vượt cầu. 
Nguồn nhân lực dồi dào tạo điều kiện thuận lợi các doanh nghiệp khi săn đầu người nhưng đây cũng là điều gây áp lực lớn lên nguồn cung lao động vì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chưa đi vào ổn định, và nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp cũng không nhiều.
Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh tìm kiếm việc làm dành cho sinh viên mới ra trường là rất lớn, trong khi nhà tuyển dụng có nhiều lựa chọn từ nguồn cung đa dạng. Chính vì thế, hầu hết phần sinh viên mới tốt nghiệp khó tìm được công việc phù hợp với ngành nghề tốt nghiệp ngay mà phải chấp nhận làm việc trái ngành-trái nghề, công việc mang tính thời vụ, bán thời gian hoặc thất nghiệp. Lý do được đưa ra là đa phần các doanh nghiệp tuyển dụng chú trọng về chất lượng, kinh nghiệm, kỹ năng, trình độ ngoai ngữ cao trong khi các sinh viên vừa ra trường chưa thể đáp ứng được.
Ngoài ra, tình trạng tái cấu trúc nguồn lao động của các doanh nghiệp dẫn đến giảm việc ngày càng nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, tài chính ngân hàng, dịch vụ, công nghiệp, thương mại… là một trong những vấn đề của thị trường lao động khiến người lao động khó khăn hơn trước.

Khoảng 21.000 chỗ làm việc trống cho tháng 8/2012
“Tháng 8 và những tháng sắp tới một lượng lớn sinh viên, học sinh tốt nghiệp ra trường làm nguồn cung dồi dào, đa dạng. Nhưng do tình hình kinh tế xã hội và sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn chưa phát triển mạnh, xu hướng giảm việc còn tiếp tục”. Đó là nhận định của ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM về tình hình lao động việc làm của thành phố trong thời gian tới.
Theo khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong tháng 7, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM dự báo xu hướng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong tháng 8/2012 sẽ rơi vào khoảng 21.000 chỗ làm việc trống dành cho người lao động.
Nhu cầu tuyển dụng trong tháng này sẽ vẫn tiếp tục chú trọng tuyển dụng lao động có tay nghề và đạt trình độ với yêu cầu về kỹ năng, năng lực quản lý, chuyên môn kỹ thuật… Cụ thể, nhu cầu nhân lực có trình độ chuyên môn Đại học trở lên chiếm khoảng 19%, Cao đẳng, trung cấp khoảng 41%, Công nhân kỹ thuật - sơ cấp nghề chiếm 10% và lao động phổ thông chỉ khoảng 30%.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét