Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG CỦA TP HCM ĐẦU QUÝ 3/2012

- Cắt giảm có thương lượng chính sách trợ cấp thôi việc cao hơn quy định pháp luật đối với trường hợp cần giảm lao động (lớn tuổi, làm việc yếu kém, không phù hợp công việc)….


Kết quả khảo sát, cập nhật thông tin cung cầu lao động tại 3.127 doanh nghiệp (DN) trong tháng 7 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực & Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh, được tiến hành trên 26.310 nhu cầu tuyển dụng lao động và 17.433 người có nhu cầu tìm việc đã chỉ rõ thực trạng đáng lo ngại trong cung cầu nhân lực ngay tại thành phố đông dân nhất cả nước này.

Nghịch lý cung – cầu rõ nét ngay đầu quý 3/2012

Trong 6 tháng đầu năm 2012, thị trường lao động TP HCM đã có nhiều chuyển biến phức tạp, tỷ lệ lao động bị cắt việc làm tăng cao do toàn thành phố có hơn 1.200 DN giải thể và 1.065 DN tạm ngưng hoạt động. Theo Ông Nguyễn Cao Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm - Sở LĐTB-XH TPHCM, 7 tháng đầu năm có trên 72.350 người đăng ký thất nghiệp và gần 53.000 người trong số đó đang được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tình hình này sẽ còn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng đáng ngại khi từ tháng 7/2012 nguồn cung nhân lực tăng do một lượng lớn học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có nhu cầu tìm việc làm.

Giữa bức tranh ảm đạm của thị trường lao động cung đang vượt quá cầu này, lại tồn tại một nghịch lý khá lớn là vẫn có nhiều DN cần lao động nhưng lại không tuyển được hoặc không tuyển đủ chỉ tiêu đề ra. Thậm chí, có DN còn giảm cả chỉ tiêu tuyển dụng nhưng vẫn không tuyển được người. Nghịch lý cung - cầu lao động ngày càng rõ nét trong 6 tháng cuối năm 2012, cụ thể là đầu tháng 7 chỉ số nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn thành phố giảm 4,34% so tháng 6/2012. Nếu chỉ số cầu lao động tại các ngành tuyển nhiều lao động như Marketing -  Nhân viên Kinh doanh là 22,86%, Công nghệ thông tin (6,37%), Quản lý nhân sự - Hành chánh văn phòng (5,32%), …, thì tương ứng chỉ số cung của các ngành này là Marketing -  Nhân viên Kinh doanh (khoảng 10%), Công nghệ thông tin (khoảng 5 %), Quản lý nhân sự - Hành chánh văn phòng (khoảng 14,7%), … Đồng thời, dạo quanh các trung tâm giới thiệu việc làm tại TP.HCM có thể thấy số lượng tuyển dụng khá dồi dào tuy nhiên lượng người được tuyển lại rất ít. Cụ thể trong phiên giao dịch việc làm thành phố lần 8/2012 vừa qua, có 2.489 lượt người tham gia tìm việc nhưng số người đạt yêu cầu được thông báo nhận việc chỉ có 547 người. Trong khi đó, cũng theoTrung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong quý 3 này dự kiến nhu cầu nhân lực TP là 65.000 cầu lao động (cụ thể tháng 7 cần 20.000 nhân sự, tháng 8: 20.000 nhân sự và tháng 9: 25.000 nhân sự). Ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực & Thông tin thị trường lao động TP HCM đã nhận xét như sau: “Thực trạng thị trường lao động những năm gần đây tại thành phố luôn diễn biến tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động từ lao động phổ thông trong các ngành chế biến, sản xuất, xây dựng, dịch vụ… đến lao động chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất – kinh doanh. Nguyên nhân do tình trạng phân bố nhân lực không đồng đều giữa các khu vực kinh tế, ngành kinh tế. Điều đáng quan tâm là khu vực kinh tế phi kết cấu chiếm tỷ lệ trên 40% và đang có xu hướng tăng với đa dạng ngành nghề, nhiều chỗ làm việc mới thu hút ngược lại khu vực kinh tế chính thức”.

Để khắc phục tình trạng này, cũng theo ông Tuấn, cần có một thời gian lâu dài kết hợp với nhiều giải pháp đồng bộ. Đối với DN, điều cần thiết là nên chú trọng xây dựng kế hoạch nhân lực trung và dài hạn xoay quanh cơ cấu ngành nghề, quy mô, chất lượng. Đồng thời cần nắm rõ thông tin về nhu cầu xã hội để xây dựng những chính sách đào tạo, tiền lương, phúc lợi và khen thưởng hợp lý, giúp nâng cao tay nghề, nâng cao năng suất lao động, từ đó thu hút nhân lực phù hợp thực tế đời sống xã hội và đảm bảo giá trị sức lao động, đặc biệt đối với lực lượng lao động kỹ thuật, lao động phổ thông…

Hạn chế tuyển dụng lao động ngày càng tăng
Một hệ quả của tình hình kinh tế chưa có nhiều chuyển biến tích cực như hiện nay là DN ngày càng chú trọng đến việc tinh giảm tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh, kể cả khâu tuyển dụng nhân sự. Theo đó, nhiều DN đang tiến hành sắp xếp lại lực lượng lao động, dẫn đến giảm việc làm. Rõ nét nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, tài chính ngân hàng, dịch vụ, công nghiệp, thương mại... Có thể nhận thấy các hình thức DN đang sắp xếp lại nhân sự như sau:

- Hình thức phổ biến là sát nhập các bộ phận một lúc hoặc từng bước sát nhập (Tổ, phân xưởng, phòng, ban, xí nghiệp) từ đó thuyên chuyển, hạ cấp người quản lý. Nhân viên làm việc năng suất, hiệu quả thấp được tinh giản sang bộ phận mới mà không tuyển thêm lao động (như bán hàng, tiếp thị, thu mua, dịch vụ quảng cáo sản phẩm, sản xuất mặt hàng mới...). 
- Giảm tiền lương đối với nhân viên hành chính có mức lương cao với lý do doanh nghiệp không đạt doanh số kinh doanh, nếu người lao động không đồng ý có thể xin thôi việc.
- Điều chuyển nhân viên, người lao động sang đơn vị khác hoặc đơn vị mới thành lập. Nhiều trường hợp được điều chuyển không phù hợp nghiệp vụ chuyên môn hoặc địa bàn làm việc xa có thể phải tính đến chuyện chấm dứt công tác.
- Không ký lại hợp đồng đối với người làm việc có thời hạn từ 1 đến 3 năm nếu năng lực làm việc, lao động hiệu quả không cao.
- Cắt giảm có thương lượng chính sách trợ cấp thôi việc cao hơn quy định pháp luật đối với trường hợp cần giảm lao động (lớn tuổi, làm việc yếu kém, không phù hợp công việc)….

Do đó, để giúp người lao động có thể chủ động đối phó với tình trạng này, ông Nguyễn Đăng Tiến - Phó giám đốc BHXH TP HCM cho rằng “Người lao động cần tỉnh táo và bảo vệ mình khi nhận việc, bởi nếu biết, hiểu luật thì quyền lợi của mình sẽ được đảm bảo và tránh được sự chán nản, từ đó dẫn đến tâm lí muốn bỏ việc”. Lời khuyên này rất có giá trị trong thời buổi tuyển dụng và ứng tuyển đang hết sức phức tạp như hiện nay. Theo dự báo của các chuyên gia, tháng 8 và những tháng sắp tới, tình hình kinh tế xã hội và sản xuất – kinh doanh của DN vẫn chưa phát triển mạnh thì xu hướng giảm việc làm còn tiếp tục, gây ra các áp lực việc làm (cung – cầu) ảnh hưởng cả hai phía: người lao động tìm việc và nhà tuyển dụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét