Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Thi trường lao động 6 tháng vào cuối năm hứa hẹn nhiều khởi sắc

Đáp lại kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của DN những tháng còn lại trong năm 2013, hiện nay có 66,7% DN giữ nguyên quy mô; 22% có thể mở rộng quy mô; 10,9% giảm quy mô và chỉ có 0,3% có thể ngưng hoạt động. Kết quả này cho thấy tín hiệu tích cực về niềm tin của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh đã được khôi phục.


Trong 6 tháng đầu năm 2013, tình hình lao động trong nước không có nhiều biến động. Số lượng lao động thất nghiệp và nhảy việc giảm rõ rệt. Các doanh nghiệp (DN) đã phần nào thoát khỏi tình trạng trì trệ sản xuất. Dự báo trong 6 tháng cuối năm tình hình lao động vẫn tiếp tục ổn định và phát triển.
 
1. Tình hình lao động 6 tháng đầu năm
Nhìn chung tình hình nguồn lao động trong 6 tháng đầu năm ổn định hơn so với những năm trước. Tình trạng nhảy việc và thiếu hụt lao động sau tết Nguyên đán không còn. Việc đó đã phần nào giúp các DN sớm ổn định được sản xuất, tuy nhiên còn rất nhiều DN vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn về tài chính, không ít DN phải tuyên bố giải thể, ngừng hoạt động.

Một điểm đáng ghi nhận nữa về tình hình lao động trong 6 tháng đầu năm 2013 là tình trạng tranh chấp lao động tập thể, đình công (TCLĐTT – ĐC) giảm nhiều. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2013 trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra 54 vụ (TCLĐTT-ĐC) tại 53 DN với hơn 12 nghìn người tham gia, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2012 (6 tháng đầu năm 2012 xảy ra 139 vụ). Thời gian TCLĐTT-ĐC diễn ra trong thời gian từ 2 - 5 ngày, trong đó, tranh chấp có liên quan đến lợi ích chiếm 65%.

Doanh nghiệp dần ổn định sản xuất
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn song sản xuất kinh doanh của nhiều DN đã phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng trưởng khá. Trong 26 ngành sản xuất, có 22 ngành có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng chung. GDP toàn thành phố 6 tháng đầu năm đạt 340.654 tỷ đồng (tăng 7,9%). So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu đạt 13.708 triệu USD, tăng 6,2%. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 5,2% so với cùng kỳ. Trong tháng 6/2013, chỉ số tồn kho giảm 0,26% so với tháng trước.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết: Hiện các DN đang từng bước sắp xếp, tuyển dụng lại lao động theo nhu cầu sản xuất kinh doanh. Các DN mới thành lập cũng cân nhắc chặt chẽ cơ cấu lao động để tuyển dụng cho hợp lý.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung còn rất nhiều DN vẫn rơi vào tình trạng khó khăn và phải giải thể hoặc ngừng sản xuất. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm có 26.324 DN giải thể, ngừng hoạt động, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Do nhiều DN chưa thể ổn định sản xuất nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tuyển dụng lao động. Theo ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội: Nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng đầu năm 2013 đang ở mức đáy của nhu cầu. Những DN có nhu cầu tuyển dụng trong thời gian này chủ yếu để bù vào số lượng lao động nghỉ việc. Bên cạnh đó, lao động có tay nghề được yêu tiên hàng đầu.

Như vậy cho thấy nhu cầu của các DN trong đầu năm 2013 rất hạn chế. Các DN không bị rơi vào tình trạng khát nhân lực như trước đây. Hơn nữa, các DN khi tuyển dụng cũng đã quan tâm nhiều hơn đến chất lượng lượng nguồn nhân lực chứ không tuyển dụng ồ ạt. Điều này đã giúp tiết kiệm được một khoản kinh phí rất lớn cho các DN trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.

Lao động đăng ký thất nghiệp giảm
Theo thống kê của trung tâm Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm thành phố có 239.909 lao động mất việc do DN giải thể, ngừng hoạt động. Tuy nhiên chỉ có 37.030 lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp (chiếm 15% số lao động nghỉ việc). So với cùng kỳ năm 2012, số lượng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm 19,9%.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, số lượng lao động phổ thông được tuyển dụng rất ít, chỉ khoảng vài trăm người và đều được yêu tiên cho những lao động có tay nghề, kinh nghiệm hoặc phải đảm nhận được nhiều vị trí khác nhau trong công việc.

DN tuyển dụng khó khăn đã khiến cho tâm lý người lao động cũng thay đổi theo. Thay vì nhảy việc, đình công, tìm một công việc khác lương cao hơn thì họ phải cố bám việc. Lao động có trình độ cao đẳng, đại học nhu cầu tuyển dụng lại càng ít hơn, chủ yếu là công ty mới thành lập hoặc các dự án mới triển khai. Vì thế ổn định nơi làm việc và mức lương là tâm lý chung của người lao động trong giai đoạn hiện nay.

2. Tình hình lao động 6 tháng cuối năm sẽ khởi sắc
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các DN đang cố gắng ổn định sản xuất và tìm giải pháp thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Theo dự báo trong 6 tháng cuối năm 2013, tình hình lao động sẽ có nhiều thay đổi theo chiều hướng khởi sắc hơn.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), thị trường lao động 6 tháng cuối năm sẽ có nhu cầu tuyển dụng khoảng 130.000 lao động, bao gồm lao động thay thế và tuyển mới của các DN. Cụ thể, trong quí III sẽ khoảng 70.0000 lao động, và quí IV sẽ ở mức 60.000 lao động.

Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở một số ngành như marketing – nhân viên kinh doanh – bán hàng, dịch vụ phục vụ, công nghệ thực phẩm, dịch vụ du lịch – nhà hàng – khách sạn, kho bãi – vận tải – xuất nhập khẩu, công nghệ thông tin, cơ khí, điện tử…Trong tổng số nhu cầu, tại các KCX – KCN thành phố có nhu cầu tuyển dụng 10.000 chỗ làm việc, tập trung ở các nhóm ngành như: dệt may – da giày, cơ khí, công nghệ thực phẩm, nhựa – bao bì, điện tử…

Theo ông Nguyễn Tấn Định, Phó Ban quản lý các KCN-KCX TP.HCM: Nhiều DN có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc. Một số DN hoạt động trong các ngành nghề như lương thực, thực phẩm, cơ khí, dệt may... đang có nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất trở lại nên đăng thông tin tuyển dụng lao động. Những DN này đang có đơn hàng đến hết quý 3, thậm chí đến cuối năm.

Như vậy, nhìn chung tình hình lao động trong 6 tháng cuối năm cũng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực so với những tháng đầu năm. Việc chú trọng khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất hứa hẹn sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới, giúp ổn định đời sống cho người lao động. Bên cạnh đó cũng có nhiều chính sách nhằm khuyến khích DN phục hồi, đầu tư và mở rộng sản xuất trong thời gian tới.

Để giúp DN vượt qua khó khăn, chính phủ cũng đã có những giải pháp như hỗ trợ các DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, giảm lãi xuất vay. Đặc biệt là hỗ trợ gói 30.000 tỷ nhằm cứu ngành xây dựng. Với chính sách này, DN đã có thể tiếp cận lại với nguồn vốn vay để đầu tư vào nhiều lĩnh vực và sẽ tạo nhiều việc làm cho người lao động. Do đó từ quý III, nhiều khả năng thị trường việc làm sẽ sôi động hơn. Lúc đó đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động sẽ bớt khó khăn hơn. Đồng thời, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cũng được chú trọng hơn bởi đây là bến dừng chân quan trọng cho những lao động khi tạm thời không có việc làm.

Đáp lại kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của DN những tháng còn lại trong năm 2013, hiện nay có 66,7% DN giữ nguyên quy mô; 22% có thể mở rộng quy mô; 10,9% giảm quy mô và chỉ có 0,3% có thể ngưng hoạt động. Kết quả này cho thấy tín hiệu tích cực về niềm tin của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh đã được khôi phục.

Nhìn chung tình hình lao động trong năm 2013 không có nhiều biến động. Tình trạng khan hiếm lao động không còn diễn ra như những năm gần đây. Các DN cũng cố gắng khắc phục tình trạng khó khăn, mở rộng sản xuất nhằm góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Với những việc làm thiết thực của cả DN và người lao động hứa hẹn sẽ mang lại nhiều khởi sắc trong những tháng cuối năm này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét